Creative Corner

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Quan hệ nhà đầu tư: nhiệm vụ mới!

Bắt đầu với 2 mã cổ phiếu năm 2000 và mất hơn 5 năm để đạt con số 32 công ty niêm yết, nhưng chỉ trong năm 2006, tính riêng tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN) đã ghi nhận sự tham gia của của 74 công ty niêm yết (CTNY) mới. Những tháng cuối năm 2006 và nửa đầu năm 2007 là quãng thời gian tăng trưởng bùng nổ của TTCKVN, các doanh nghiệp có thêm cơ hội huy động nguồn lực rất lớn từ xã hội, đồng thời, cũng nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ hơn với công chúng đầu tư, đặc biệt là cổ đông- những người bỏ tiền vào cổ phiếu của doanh nghiệp.
Biến động liên tục đảo chiều trên TTCK kể từ nửa cuối tháng 3/2007 cùng các quyết định giao dịch chịu nhiều tác động tâm lý của nhà đầu tư trước bạt ngàn thông tin trái chiều được phát đi từ các “kênh” chính thống và không chính thống thực sự trở thành áp lực khách quan buộc CTNY quan tâm nhiều hơn tới nghĩa vụ cung cấp “đầu vào” cho quá trình ra quyết định của cổ đông và thị trường. Bên cạnh nhiều buổi giao lưu, các hình thức hỏi và ghi nhận ý kiến cổ đông, nhà đầu tư, một chức năng hoạt động mới xuất hiện tại các CTNY- bộ phận Quan hệ nhà đầu tư (Investor Relation, thường gọi tắt là IR).
Chắt rượu sang bình mới
Thực ra, không đợi tới khi trở thành CTNY hay phải đối mặt với sức ép từ thị trường các doanh nghiệp mới khởi động chức năng này. Vô thức hay chủ ý, công việc quan hệ với nhà đầu tư và các đối tác vẫn diễn ra trong vận hành kinh doanh hàng ngày. Một nhân viên bán hàng, một người quản lý cấp trung, một khách hàng, một nhà cung cấp hay bất kỳ tác nhân nào trên thị trường cũng đều có thể trở thành cổ đông hoặc nhà đầu tư vào doanh nghiệp. Bởi vậy, mỗi khi tương tác với các nhân tố này, chính là lúc doanh nghiệp đang thực hiện chức năng IR.
Do quá trình truyền thông, đối nội hay đối ngoại, chiếm tỷ trọng cao trong công tác quan hệ nhà đầu tư, bóng dáng của công tác này thường hay thấp thoáng trong các hoạt động marketing, quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu và quan hệ công chúng (Public Relations, gọi tắt là PR). Và cũng từ đó dẫn tới những điểm chưa rõ ràng trong cách thức thực hiện IR- một chức năng đang ngày càng có vị thế được chú ý hơn trong hệ thống vận hành kinh doanh tại CTNY.
Truyền thông (communication) là quá trình chia sẻ thông tin. Đây là một kiểu tương tác xã hội trong đó ít nhất có hai tác nhân tương tác lẫn nhau, chia sẻ các qui tắc và tín hiệu chung. Ở dạng đơn giản, thông tin được truyền từ người gửi tới người nhận. Ở dạng phức tạp hơn, các thông tin trao đổi liên kết người gửi và người nhận. Phát triển truyền thông là phát triển các quá trình tạo khả năng để một người hiểu những gì người khác nói, ra hiệu, hay viết, nắm bắt ý nghĩa của các thanh âm và biểu tượng, và học được cú pháp của ngôn ngữ.
Thiếu định nghĩa công việc rõ ràng, bộ phận Quan hệ nhà đầu tư được thành lập dễ rơi vào cảnh chắt rượu cũ sang bình mới. Phương thức giao tiếp với cổ đông và công chúng đầu tư tiếp tục là sự lặp lại những biện pháp truyền thống. IR thuần túy thực hiện qui trình truyền thông cổ điển. Bộ phận IR làm đầu mối phát đi các thông điệp từ doanh nghiệp, ban lãnh đạo tới đội ngũ nhân sự và công chúng. Việc ghi nhận và tập hợp các phản hồi rất khó khăn, nhiều lúc tắc nghẽn. Trước các yêu cầu thông tin của thị trường, IR tiếp nhận và chuyển tới ban lãnh đạo và hoặc bộ phận chức năng để giải quyết. Cách này có tính thụ động cao. Đồng thời, nỗ lực đáp ứng thông tin cho công chúng vô tình có thể trở thành áp lực với bộ máy vận hành và quản trị doanh nghiệp.Khi từng thông tin có liên quan tới doanh nghiệp có thể tạo ra tác động tâm lý gây biến động vài ngàn đồng giá cổ phiếu sau mỗi phiên giao dịch, thì giá trị một CTNY với nhiều triệu cổ phiếu trên thị trường đã tăng lên hoặc giảm xuống hàng tỷ đồng. Một con số không hề nhỏ nếu so với doanh số tạo ra trong ngày. Phép tính đơn giản cho thấy giá trị của hoạt động quan hệ nhà đầu tư.
Quan hệ nhà đầu tư: nhiệm vụ mới!
Nhiệm vụ IR về cơ bản chia thành hai phần việc: truyền thông và chăm sóc.
Quá trình truyền thông được thực hiện với cả hai chiều gửi và nhận. Bộ phận quan hệ nhà đầu tư nỗ lực gửi đi kịp thời thông tin chứa nội dung đầy đủ và chuẩn xác về hoạt động kinh doanh và vận hành của doanh nghiệp. Các thông điệp phát ra đảm bảo tiêu chí trọng yếu, trung thực và công bằng. Ở chiều ngược lại, phản hồi từ các đối tượng tiếp nhận thông tin được tập hợp và ghi nhận càng nhiều càng tốt. Các dữ liệu này là cơ sở để nắm bắt nhu cầu thông tin của công chúng. Từ đó, doanh nghiệp, với đầu mối là bộ phận IR, triển khai các công việc chuẩn bị bên trong và tiếp tục cung cấp thông tin đáp ứng. Đây là phần việc tối thiểu mà chức năng IR phải hoàn thành.
Cùng với quá trình truyền thông tích cực, chỉ khi chăm sóc tốt mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các nhà đầu tư, bộ phận IR mới hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ của mình. Với mỗi thông điệp gửi ra thị trường, IR cần nắm rõ mức độ thỏa mãn trong từng nhóm đối tượng tiếp nhận, xác định nhu cầu bổ sung, làm rõ thông tin và tác động của thông tin tới cảm xúc và nhận định của nhà đầu tư với doanh nghiệp. Phản hồi được IR ghi nhận, trước khi chuyển tới ban lãnh đạo và các bộ phận chức năng, sẽ qua các bước xử lý và sàng lọc. IR không đơn giản chuyển toàn bộ yêu cầu từ công chúng đầu tư tới nguồn cung cấp thông tin- cách làm có thể tạo nên sức ép với hoạt động quản trị doanh nghiệp. Thông tin cần chuẩn bị được sắp xếp theo mức độ ưu tiên. IR chủ động đề xuất loại thông tin cần công bố và hỗ trợ ban lãnh đạo điều phối công tác chuẩn bị tại từng bộ phận chuyên môn. Thời điểm và tần suất công bố, lặp lại thông tin cũng được IR tính toán hướng tới hiệu ứng tác động tốt nhất cho doanh nghiệp.
Qua những nét sơ lược trên, có thể nhận thấy công tác quan hệ nhà đầu tư không dừng lại ở tổ chức các sự kiện, đưa thông tin về doanh nghiệp xuất hiện trên các kênh truyền thông đại chúng mà đòi hỏi một quá trình tương tác liên tục, tích cực và chủ động với khối lượng công việc rất lớn. Với các phương tiện truyền thống, việc đảm bảo cho hoạt động này đòi hỏi nhận được nguồn lực con người và tài chính mà chỉ một số ít tập đoàn kinh tế có qui mô lớn mới có thể đáp ứng. Phát triển bùng nổ của Internet, vị thế và ảnh hưởng mạnh của các cộng đồng Internet (hay còn được nhắc tới như những công dân thế hệ 2.0) mẽ được thừa nhận trong xã hội mang lại phương tiện mới, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động IR hiệu quả với chi phí hợp lý.
(nguồn: http://dungngananh.wordpress.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét